Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức của hoạt động xuất bản hiện nay
- Ngõ Sách
- 17 thg 5
- 3 phút đọc
Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức của hoạt động xuất bản hiện nay

Sáng 8/10, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức tọa đàm chuyên đề “Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức của hoạt động xuất bản hiện nay”. Hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2024) và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10. Chương trình là một trong những hoạt động điểm nhấn trong khuôn khổ Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyên dự và chủ trì tọa đàm.
Chuyển đổi số hướng tới việc phục vụ tốt hơn nhu cầu của độc giả
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TPHCM cho hay, theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay cả nước có 57 nhà xuất bản (NXB) trực thuộc các cơ quan chủ quản.
Tính đến nay, đã có hơn 20 NXB, đơn vị phát hành sách được cấp phép xuất bản và phát hành sách điện tử, trong đó có nhiều NXB, đơn vị phát hành tại TPHCM. Sự phát triển nhanh về số lượng được cấp phép phát hành sách điện tử cho thấy chuyển đổi số đang là mũi nhọn được quan tâm. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác xuất bản đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng. Số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất xuất bản phẩm điện tử với sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ đã cho thấy tính hiệu quả không nhỏ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng, cơ hội thì luôn đi cùng thách thức. Những thách thức cũng đang là mối quan ngại không nhỏ đối với ngành xuất bản và xã hội nói chung.
Đó là tình trạng vi phạm bản quyền, sách giả, phát hành sách lậu trên nền tảng mạng…
Theo Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM Ông Thị Ngọc Linh, chuyển đổi số giúp ngành xuất bản mở rộng thị trường, cơ hội tăng cường tương tác với độc giả, tác giả, dịch giả, cá nhân hóa trải nghiệm đọc, nâng cao hiệu quả hoạt động và công tác quản lý.
Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của ngành xuất bản là việc xây dựng một hệ thống dữ liệu đồng bộ và hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Để giải quyết những thách thức này, các NXB cần đầu tư vào các hệ thống quản lý thông tin chuyên dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu chung, đào tạo nhân lực và đảm bảo an toàn thông tin. Đồng thời, việc hợp tác với các đối tác công nghệ cũng là một giải pháp hiệu quả để tận dụng những tiến bộ của công nghệ.

Chuyển đổi công nghệ số phải theo sát xu hướng phát triển của ngành xuất bản sách
Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự bùng nổ của thương mại điện tử, đại diện FAHASA cho biết, đơn vị đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng và phát triển hệ thống thương mại điện tử Fahasa.com từ năm 2015 để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hệ thống này hiện cung cấp hơn 300.000 sản phẩm với hơn 7.000 phân loại sách, đảm bảo cho gần 20.000 người truy cập cùng lúc mà vẫn giữ được trải nghiệm mua sắm nhanh chóng, dễ dàng. Nhờ vào nền tảng này, FAHASA đã và đang nhận được sự tin tưởng, yêu mến từ đông đảo khách hàng, đồng thời tạo ra sự thuận tiện lớn trong quá trình tìm kiếm và mua sắm.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyên cho biết, đến nay cả nước có 31 NXB xuất bản điện tử, chiếm 54% số NXB, 27 cơ sở phát hành phát hành điện tử, mỗi năm xuất bản được 4.000-4.500 đầu sách, chiếm trên 12,5% tổng số sách/năm. Sách dạng đọc, sách nói và sách multimedia, trong đó doanh thu toàn thị trường sách nói ước đạt khoảng 120-130 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng doanh thu toàn ngành. Ngoài phiên bản sách, một số doanh nghiệp phát triển các sản phẩm tóm tắt sách trên các nền tảng.
Một số khó khăn thách thức trong quá trình chuyển đổi số được Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyên nêu tại tọa đàm như: thách thức từ nhận thức khi thay đổi thói quen từ lãnh đạo, nhân viên, thách thức từ xây dựng phương thức sản xuất kinh doanh mới; nguồn lực đầu tư và nguồn nhân lực… Do vậy, cần có sự chuyển đổi nhận thức và văn hóa doanh nghiệp, nhận thức của doanh nghiệp bao gồm từ lãnh đạo đến mỗi thành viên phải thống nhất trên một mục tiêu; cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số của đơn vị mình với tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; có bước đi có tính cách mạng trong xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
“Tái cơ cấu đầu tư để chuyển đổi mô hình kinh doanh là một trong những nguyên nhân đưa đến thành công trong đổi mới hoạt động sản xuất thích ứng các điều kiện rủi ro nói chung và việc chuyển đổi số nói riêng. Chuyển đổi công nghệ số phải theo sát xu hướng phát triển của ngành xuất bản sách”- Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyên nêu.
Tác giả: M.Hiệp
Nguồn: Trang tin điện tử - Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh
Comments